Giới trẻ nghiện mạng xã hội: Khi thế giới ảo thành gánh nặng
Gap Year – Khoảnh Khắc Quyết Định Để Tìm Lại Chính Mình
Tàn Tuyết gây chú ý tại giải Nobel văn học 2024 : Một bước chuyển lớn cho văn học Châu Á
Khám Phá Hương Vị Mùa Thu: Những Món Ngon Từ Khắp Nơi Trên Thế Giới
“Khoe thu nhập trên Threads: Động lực hay áp lực?”
Giới trẻ và xu hướng du lịch phượt vừa “chữa lành” vừa ” xoa dịu thiên nhiên”
Hoa hậu Đặng Thu Thảo xác nhận đã hạ sinh Bé thứ 3
Trào lưu “check-in” quảng bá du lịch qua những cây kem hình Nhà thờ Đức Bà TP.HCM
Tháng 10, Việt Nam đón 2 cơn mưa sao băng và siêu trăng rực rỡ
Những “chiếc bẫy” giăng sẵn
Tháng 3/2023, Báo Thái Nguyên có loạt bài phản ánh về dấu hiệu bất thường trong hoạt động kêu gọi góp vốn lợi nhuận cao của Công ty Tập đoàn Tâm Lộc Phát (viết tắt là Tâm Lộc Phát, trụ sở tại Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) có nhiều chi nhánh tại tỉnh Thái Nguyên. Đáng chú ý, Tâm Lộc Phát thông báo lợi nhuận mà người góp vốn nhận được là 34,8%/năm, nhưng theo cách tính của ngân hàng thì lên tới 115%/năm (vì số tiền gốc và lợi nhuận được trả theo ngày ở mức cố định suốt 15 tháng). Mặc dù đến thời điểm này các nhà đầu tư vẫn nhận được tiền gốc và lợi nhuận, chưa có phản ánh gì tới cơ quan chức năng, nhưng không ai dám khẳng định doanh nghiệp này có thể chi trả mức lợi nhuận “siêu khủng” cho nhà đầu tư đến khi nào?
Trên phạm vi cả nước, Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo về hình thức kinh doanh này. Tháng 10/2022, Bộ Công an phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo huy động vốn trái phép của Công ty đa cấp Skyway. Công ty này hoạt động theo hình thức huy động vốn từ nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân qua hình thức mua cổ phần với hứa hẹn lợi nhuận cao.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng liên tục đưa ra cảnh báo: Đối với các hoạt động kêu gọi góp vốn với hứa hẹn lợi nhuận, lãi suất lớn thì phần lớn có dấu hiệu của mô hình Ponzi – một hình thức lừa đảo theo dạng kim tự tháp. Trong đó, số tiền đầu tư mới sẽ đóng vai trò là nguồn tiền trả lãi cho các nhà đầu tư trước đó. Do không có bất kỳ lợi nhuận nào được sinh ra nên mô hình này sẽ sụp đổ khi áp lực trả lãi cao hơn nguồn tiền mới được đầu tư vào.
Các “siêu lừa” sa lưới
Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng việc huy động vốn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư và đã bị cơ quan chức năng xử lý. Điển hình là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo của Công ty CP Tập đoàn Bankland bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố vào tháng 3/2023. Theo điều tra ban đầu, doanh nghiệp này đã tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện để quảng cáo về nhiều ngành nghề kinh doanh (như bất động sản, mua bán ô tô, cổ phiếu nội bộ…) để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 72 tháng với mức 43,2%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế Bankland không có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Cơ quan công an xác định có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền góp vốn trên 400 tỷ đồng vào Công ty Bankland…
Cũng với chiêu trò tương tự, năm 2022, Thi Thị Thu Ái, sinh năm 1993, trú tại xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã dụ dỗ nhiều người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Ái để mua bất động sản nhằm hưởng lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sau đó Ái đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền hơn 100 tỷ đồng góp vốn của các nhà đầu tư. Cuối năm 2022, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố và bắt tạm giam Thi Thị Thu Ái để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm 2022, Công an tỉnh Quảng Bình cũng phát hiện, triệt phá đường dây kêu gọi ủy thác đầu tư vào sàn FVP Trade, với số tiền chiếm đoạt của nhà đầu tư là trên 16 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Lệ Nhi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Queenlad, điều hành văn phòng FVP Trade Quảng Bình.
Ngoài ra, những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn, kêu gọi đầu tư vào bất động sản, vàng, chứng khoán, tiền ảo, ngoại hối… đã bị xử lý. Có thể kể đến các vụ: Bigbuy 24h gây thiệt hại 500 tỷ đồng; Gold times gây thiệt hại 900 tỷ đồng; Liên Kết Việt gây thiệt hại hơn 1.900 tỷ đồng…
Tỉnh táo trước các “hợp đồng hợp tác kinh doanh”
Dù đã có nhiều bài học nhưng trước việc “nở rộ” các hình thức kêu gọi góp vốn đầu tư siêu lợi nhuận, nhiều người dân vẫn “sa bẫy”. Các đối tượng huy động vốn đều viện vào việc hợp tác kinh doanh trên cơ sở ký kết hợp đồng và được pháp luật bảo vệ. Nhưng thực chất, đây đang là một kẻ hở bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Ths, Luật sư Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty luật TNHH Một thành viên K và cộng sự tại Thái Nguyên, phân tích: Hợp đồng hợp tác kinh doanh là giao kết dân sự trên cơ sở hai bên tự nguyện, đồng thuận với các điều khoản trong hợp đồng. Nhiều nhà đầu tư do tin tưởng nên đã ký kết mà không nghiên cứu kỹ hợp đồng, khi xảy ra vấn đề mới biết các điều khoản đều bất lợi cho mình.
Bởi vậy, theo Luật sư Nguyễn Minh Cảnh, trước khi ký hợp đồng, các nhà đầu tư nên có sự tư vấn pháp lý. Trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, nhà đầu tư không được từ bỏ các điều khoản phòng vệ, ví dụ như nhà đầu tư được giám sát các hoạt động của công ty mà mình góp vốn bằng một cách nào đó hoặc thông qua bên thứ ba; được tạm dừng hoạt động đầu tư, đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhận lại khoản tiền đã đầu tư… Đặc biệt, nếu hợp đồng có các điều khoản yêu cầu giữ bí mật, không được thông tin cho các bên thứ ba, công ty ngăn trở hoạt động công khai, minh bạch về hợp đồng, hoạt động kinh doanh… thì nhà đầu tư càng phải nâng cao cảnh giác, bởi đó là dấu hiệu lừa đảo.
Thực tế hoạt động đầu tư kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nhưng rủi ro đó phải mang tính thương mại. Việc góp vốn đầu tư vào bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyền lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tránh mắc vào những “cạm bẫy” đã giăng sẵn, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào…