Giới trẻ nghiện mạng xã hội: Khi thế giới ảo thành gánh nặng
Gap Year – Khoảnh Khắc Quyết Định Để Tìm Lại Chính Mình
Tàn Tuyết gây chú ý tại giải Nobel văn học 2024 : Một bước chuyển lớn cho văn học Châu Á
Khám Phá Hương Vị Mùa Thu: Những Món Ngon Từ Khắp Nơi Trên Thế Giới
“Khoe thu nhập trên Threads: Động lực hay áp lực?”
Giới trẻ và xu hướng du lịch phượt vừa “chữa lành” vừa ” xoa dịu thiên nhiên”
Hoa hậu Đặng Thu Thảo xác nhận đã hạ sinh Bé thứ 3
Trào lưu “check-in” quảng bá du lịch qua những cây kem hình Nhà thờ Đức Bà TP.HCM
Tháng 10, Việt Nam đón 2 cơn mưa sao băng và siêu trăng rực rỡ
Lo ngại dịch lây lan
Tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vừa ghi nhận 1 ca tử vong do mắc bệnh bạch hầu; đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương này trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với đó, tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cũng ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh do có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong tại Nghệ An.
Trước tình hình đã có các ca bệnh bạch hầu lây lan trong cộng đồng sau một thời gian không ghi nhận các ổ dịch khiến người dân lo lắng về nguy cơ lây lan của bệnh bạch hầu, một bệnh khó phát hiện, dễ gây tử vong.
Trước đó, cuối năm 2023, tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên cũng đã ghi nhận các ổ dịch bạch hầu tái xuất hiện với hàng chục ca mắc.
Lý giải về việc gần đây Việt Nam lẻ tẻ ghi nhận các ổ dịch bạch hầu sau thời gian dài ít xuất hiện, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: “Bệnh bạch hầu vẫn có mầm bệnh trong cộng đồng, nhưng do những năm trước kia, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh cao, kể cả khu vực miền núi. Tuy nhiên mấy năm gần đây, nhất là giai đoạn dịch COVID-19, giai đoạn thiếu hụt vaccine phòng bệnh khiến tỷ lệ giảm xuống, người dân cũng không đi tiêm chủng được trong giai đoạn dịch bệnh… Đặc biệt, gần đây, nhiều gia đình cũng lơ là việc tiêm chủng cho trẻ, thậm chí có những xu hướng không tiêm chủng cho trẻ; vì vậy mầm bệnh lây ra sẽ dễ bùng phát. Vì vậy đã có những ổ dịch xảy ra như vừa qua, rải rác tại các địa phương”.
Về việc các ổ dịch bạch hầu gần đây thường xuất hiện ở khu vực miền núi, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, khu vực miền núi thường có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thậm chí dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đưa đến tận nơi cũng khó khăn; trong khi đó, người dân đi làm trong rẫy, trong núi cũng khó tiếp cận với y tế, không bao phủ được tiêm chủng ở các khu vực này nên bệnh dễ bùng phát.
Cảnh báo về nguy cơ lây truyền của bệnh bạch hầu, BS. Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.
Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bằng ngoại độc tố (Exotoxin) dẫn đến phù nề, sau đó hoại tử và loét niêm mạc, tạo ra các giả mạc bám chặt vào niêm mạc.
Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.
Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gọi là bạch hầu ác tính, nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng tim (thường là viêm cơ tim và rối loạn dẫn truyền trong tim) và thần kinh, gây liệt. Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…
Phòng bệnh bằng vaccine, cách ly
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, với bệnh bạch hầu có thể dự phòng bằng vaccine, bảo vệ tránh lây nhiễm bằng việc cách ly cá nhân, tăng cường tiêm chủng vaccine.
Trước tình hình các ổ dịch bạch hầu xuất hiện lẻ tẻ như hiện nay, các địa phương cần nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, hỗ trợ hệ thống y tế dự phòng ở những nơi đã ghi nhận ca bệnh để họ “xốc” lại tỷ lệ tiêm chủng. Vì có thể trước đó tỷ lệ tiêm chủng đã cao nhưng một thời gian dài sau hàng rào miễn dịch có thể giảm hiệu lực bảo vệ.
“Chủ yếu vẫn là trẻ em được tiêm chủng được tốt, đảm bảo miễn dịch thì dịch sẽ khó bùng phát lại”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định.
Về việc người dân có nên “ào ào” đi tiêm vaccine khi xuất hiện các ổ dịch bạch hầu hay không, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga điều này là không cần thiết vì đa số trẻ em đều đã được tiêm chủng trước đó. Tuy nhiên ở những nơi xuất hiện dịch thì có thể tiêm phòng cho trẻ; hoặc trong gia đình những người có ca mắc bệnh…
Về việc phòng bệnh bạch hầu, nhất là ở những nơi có ca bệnh, theo BS. Phan Văn Mạnh, tất cả người bệnh nghi bạch hầu cần phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn. Thực hiện rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Với người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng.
Đặc biệt, vaccine phòng bệnh bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung. Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.