Giới trẻ nghiện mạng xã hội: Khi thế giới ảo thành gánh nặng
Gap Year – Khoảnh Khắc Quyết Định Để Tìm Lại Chính Mình
Tàn Tuyết gây chú ý tại giải Nobel văn học 2024 : Một bước chuyển lớn cho văn học Châu Á
Khám Phá Hương Vị Mùa Thu: Những Món Ngon Từ Khắp Nơi Trên Thế Giới
“Khoe thu nhập trên Threads: Động lực hay áp lực?”
Giới trẻ và xu hướng du lịch phượt vừa “chữa lành” vừa ” xoa dịu thiên nhiên”
Hoa hậu Đặng Thu Thảo xác nhận đã hạ sinh Bé thứ 3
Trào lưu “check-in” quảng bá du lịch qua những cây kem hình Nhà thờ Đức Bà TP.HCM
Tháng 10, Việt Nam đón 2 cơn mưa sao băng và siêu trăng rực rỡ
Bằng các chia sẻ dưới đây, diễn đàn xin tạm khép lại khi đã phần nào truyền cảm hứng, khơi gợi tinh thần “chiến binh khởi nghiệp” và mong rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều gương mặt, những câu chuyện và doanh nghiệp khởi nghiệp mới.
– Ông NGUYỄN DUY CƯƠNG (giám đốc đầu tư Quỹ EXE72):
Hợp tác để cùng thành công
Khi quyết định rót vốn, nhà đầu tư thường quan tâm đến yếu tố con người ở vòng tiền hạt giống và hạt giống. Còn giai đoạn sau phải nhìn vào sản phẩm. Quỹ đầu tư hợp tác với các start-up đều mong muốn cả hai thành công, cùng win – win.
Trong một số trường hợp, cả hai thỏa thuận xem có cần thay đổi để start-up thành công nên có thể cũng thay đổi về tầm nhìn, sản phẩm, con người là điều bình thường.
Có những cột mốc quan trọng để start-up gọi được quỹ đầu tư. Các bạn có câu chuyện chưa? Start-up cần giải quyết một vấn đề hoặc một nhu cầu nào đó. Vì mới thành lập, bạn chưa có sản phẩm và lịch sử hoạt động nên đây là cách duy nhất để start-up “bán” cho nhà đầu tư.
Khi đã hoạt động và có sản phẩm hoặc mẫu thử, bạn có nhu cầu vốn để hoàn thiện sản phẩm, thuê đội ngũ kinh doanh để đưa sản phẩm ra thị trường. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ vào ở vòng này.
Để thuyết phục, start-up cần cho thấy thêm về sản phẩm, nhân sự, lãnh đạo và lịch sử hoạt động. Các quỹ sẽ có những câu hỏi mà nếu mọi thứ suôn sẻ thì cái gật đầu gần như là chắc chắn.
Các start-up cũng cần đánh giá xem tầm nhìn của quỹ có phù hợp với mình không rồi hãy ra quyết định cuối cùng. Vì mâu thuẫn về tầm nhìn có thể dẫn đến hậu quả lâu dài.
Vì gọi vốn không đơn thuần là tiền mà còn là làm việc với nhà đầu tư, họ có thể mang thêm gì cho start-up. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường có yêu cầu về chiến lược, lãnh đạo. Họ có mối quan hệ, kinh nghiệm kinh doanh để đóng góp hiệu quả cho start-up.
– Anh LÊ YÊN THANH (CEO start-up Phenikaa MaaS):
Thương hiệu cá nhân người sáng lập rất quan trọng
Thương hiệu cá nhân người đứng đầu start-up là rất quan trọng, nhất là với start-up ở giai đoạn đầu của quá trình gọi vốn. Đây là một trong những yếu tố đánh giá về start-up trong mắt nhà đầu tư. CEO có thương hiệu cá nhân tốt giúp start-up quảng bá sản phẩm của công ty hiệu quả hơn.
Dĩ nhiên, không phải vì quá tập trung vào thương hiệu cá nhân mà quên đi những yếu tố cốt lõi khác như sản phẩm, mô hình kinh doanh, tiếp thị…, bởi về lâu về dài, một start-up cần nhiều yếu tố để tồn tại và phát triển bền vững.
Chúng tôi sẽ ra mắt thị trường nhiều sản phẩm mới như giải pháp bHub Platform – ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận dạng xe tự động và phân tích phương tiện giao thông bằng công nghệ Edge AI, giải pháp BMS Platform – số hóa hạ tầng xe buýt, chuyển đổi số cho hệ thống giao thông công cộng.
Ứng dụng BusMap cũng có thêm tính năng mới: kết nối với hệ thống xe chở khách liên tỉnh, dịch vụ EmBus – xe buýt dành cho người đi làm nhằm giúp mọi người sử dụng phương tiện công cộng dễ dàng và thuận tiện hơn.
Và chúng tôi vẫn đang nghiên cứu thị trường để có thể tạo ra sản phẩm phù hợp và có khả năng kinh doanh.
– PGS.TS BÙI TRUNG THÀNH (giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):
Giúp sinh viên hiểu tầm quan trọng của khởi nghiệp
Tôi khá hứng thú khi theo dõi diễn đàn này trên Tuổi Trẻ những ngày qua. Mỗi bài viết, gương mặt khởi nghiệp trẻ truyền cảm hứng và giúp tôi cập nhật kiến thức cần thiết vì làm kiêm nhiệm nên vẫn còn nhiều điều tôi chưa rõ về khởi nghiệp.
Khởi nghiệp đang là từ khóa nóng nhưng cũng không ít bạn đang hiểu lầm khởi nghiệp giống lập nghiệp. Trong nỗ lực của mình, chúng tôi phối hợp với Đoàn thanh niên để truyền thông cho sinh viên nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp.
Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đồng hành với các vườn ươm cho những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, xây dựng không gian khởi nghiệp và thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp… có sự hỗ trợ của quỹ đầu tư, nhà đầu tư, chuyên gia khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Chúng tôi tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên trường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp hiệu quả hơn nữa.
Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Innogreen life (Vì cuộc sống xanh) của trường hằng năm giúp sinh viên, giảng viên trẻ cọ xát với kiến thức về khởi nghiệp công nghệ, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Năm nay chúng tôi đã phát động và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực, điều đó thêm khẳng định hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong sinh viên luôn được các bạn hào hứng đón nhận.
– Ông VINNIE LAURIA (đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures):
Cơ hội khởi nghiệp tại Việt Nam còn lớn
Chúng tôi kỳ vọng có nhiều công ty khởi nghiệp được đồng sáng lập bởi những thành viên đến từ các quốc gia khác nhau, muốn thấy những công ty có khả năng vượt xa ngoài thị trường địa phương và vươn ra thế giới.
Chúng tôi muốn tìm các công ty chú trọng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ý tưởng về phòng khám thông minh cho người ít có thời gian đi khám với giá cả minh bạch, hoặc dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Tôi nghĩ không cần là ý tưởng đầu tiên hoặc duy nhất. Người khởi nghiệp không cần làm những thay đổi lớn hay nghĩ ra điều hoàn toàn mới. Thay vào đó, họ hãy nhìn vào những khu vực địa lý khác để biết loại mô hình kinh doanh nào có thể thành công và cất cánh ở các khu vực này.
Ở thời điểm hiện tại, lượng hồ sơ xin đầu tư có giảm nhưng không quá lo lắng vì kinh tế thế giới đang chậm lại nên Việt Nam không ngoài xu hướng này.
Đã từng có những công ty công nghệ lớn ra đời trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nên tôi tin sẽ có các công ty tuyệt vời xuất hiện, và khó khăn hiện tại không làm mất đi đam mê và động lực khởi nghiệp.
Người Việt sẽ tiêu tiền nhiều hơn trên mạng, bên cạnh những thay đổi về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hành vi người tiêu dùng. Ngoài thu nhập tăng, mức chi tiêu trung bình dành cho giáo dục ở mỗi trẻ em Việt Nam tính theo phần trăm GDP bình quân đầu người đạt mức cao nhất trong khu vực, thậm chí còn hơn Singapore.
Chúng tôi từng đầu tư vào Thái Lan, Malaysia, Philippines và các thị trường khác nhưng hầu hết các công ty kỳ lân đều xem Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất. Điểm thú vị là các nhà phát triển phần mềm giỏi nhất luôn ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có máy móc, có tỉ lệ nhà phát triển phần mềm giỏi và hệ thống giáo dục đang được đầu tư, thu nhập bình quân đầu người gia tăng, đồng tiền có giá trị rất ổn định.
Các báo cáo mà chúng tôi có cho thấy sự phát triển vượt bậc của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghệ, tại Việt Nam và xu hướng này đang tiếp tục tăng. Những điều này dự báo 4-5 năm nữa chúng ta sẽ thấy sự đổi mới phi thường tại Việt Nam.
BÌNH